Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Bênh viện xả thải ra môi trường khi bị kiểm tra đột xuất

Mới đây cách xử lý nước thải y tế ra môi trường của bệnh viện chỉnh hình và phục hổi chức năng đã bị hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đưa ra ánh sáng, thực tế lượng nước thải của hệ thống xử lý nước thải chỉ đạt 50m3/ngày trong khi lượng nước thải y tế trung bình lên tới 120m3.


Nước thải, rác thải y tế nếu không được xử lý sẽ là nguyên nhân trực tiếp gieo rắc mầm bệnh ra môi trường, nguy cơ phát tán và bùng phát dịch bệnh cho con người. Từ năm 2012, Hội đồng Nhân dân thành phố đã ra nghị quyết về việc tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn phải có hệ thống xử lý nước thải y tế vận hành đạt tiêu chuẩn. Sau nghị quyết trên, các bệnh viện, cơ sở y tế công lập và tư nhân tại thành phố đã ráo riết triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế.


Hội đồng Nhân dân thành phố trong chuyến khảo sát hệ thống xử lý nước thải y tế tại BV Nhi Đồng 2.



Để kiểm tra việc thực thi, ngày 21/10, Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng Nhân dân thành phố đã phối hợp cùng với Sở Y tế, Sở Tài nguyên Môi trường, UBND quận Tân Bình thực hiện giám sát tình hình bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, rác thải của bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng thuộc Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội (số 1A, Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Tân Bình).

BS Nguyễn Đăng Ngọc, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết: “Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng hiện có 120 giường bệnh, trung bình thải ra 120m3 nước thải y tế. Tuy nhiên, hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện chỉ có thể xử lý 50m3 nước thải mỗi ngày”. Lý giải cho tình trạng trên BS Ngọc cho biết, bệnh viện sắp thực hiện đề án nâng cấp và mở rộng quy mô khám chữa bệnh lên 400 giường, hệ thống xử lý nước thải y tế sẽ nâng cấp khi thực hiện đề án.

Không đồng ý với nội dung báo cáo của bệnh viện, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng ban Kinh Tế và Ngân sách Hội đồng Nhân dân thành phố đặt vấn đề: “Nếu hệ thống xử lý nước thải chỉ xử lý được 50m3 thì 70m3 nước thải còn lại của bệnh viện đã xả đi đâu?”. Ông Lâm yêu cầu bệnh viện phải thực hiện ngay hệ thống xử lý nước thải với công suất tương đương với số giường bệnh hiện có để chấm dứt tình trạng xả nước thải ra môi trường.


Nhiều bệnh viện còn thực hiện thu gom và tự tiêu hủy rác thải y tế



Bên cạnh hệ thống xử lý nước thải y tế chưa thực hiện đúng quy định, khu chứa rác của bệnh viện cũng đang đặt quá gần với khu dân cư nhưng không có nắp đậy ngăn cách. Đại diện Hội đồng Nhân dân thành phố cũng yêu cầu bệnh viện phải sớm lên phương án xây dựng khu chứa rác cách biệt với khu dân cư hoặc phải thiết kế nắp đậy, tránh việc bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường xung quanh; xây dựng kho chứa chế phẩm sinh học, chấm dứt việc gom chế phẩm sinh học và để chung với rác thải y tế như bệnh viện đang thực hiện từ trước đến nay.

Ông Nguyễn Văn Lâm cho rằng, sau nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố đến nay đa số các bệnh viện đều báo cáo đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế. Nhưng trên thực tế, hệ thống xử lý nước thải y tế có đạt yêu cầu hay không thì chưa có kiểm chứng cụ thể. Từ thực tế kiểm tra giám sát tại bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, đại diện Hội đồng Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Y tế thực hiện nghiêm việc kiểm tra về mặt chuyên môn đối với hệ thống xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám… công lập và tư nhân trên địa bàn, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm.

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Sự kiện đi bộ chung tay ủng hộ không vứt rác bừa bãi

Ngày 7/4 các đoàn viên thanh niên của VAAC phối hợp cùng Công ty CP trực tuyến Bigmua VN sẽ cùng tổ chức sự kiện đi bộ chung tay vì môi trường để hưởng ứng cuộc vận động "không xả rác bừa bãi" do Tin Môi Trường tổ chức nhân ngày môi trường thế giới (5/6).


Banner của chương trình tuyên truyền vận động chung tay "Không xả rác bừa bãi"


Hoạt động đi bộ tuyên truyền, cổ động mọi người “Không xả rác bừa bãi” sẽ bắt đầu từ 9 giờ sáng ngày 7/4 kéo dài đến 11 giờ00 trưa ngày 7/4/2015.


Theo lời bà Trần Thị Xuân Quyên, Giám đốc đào tạo Trường Quản lý Khách sạn Việt Úc (VAAC) : Cuộc vận động sáng tác tranh biếm họa với chủ đề “Không xả rác bừa bãi” do Tin Môi Trường tổ chức nhân Ngày môi trường Thế giới (5/6) là một sự kiện tuyên truyền vô cùng có ý nghĩa cho cộng đồng xã hội nên Ban giám hiệu Trường Quản lý Khách sạn Việt Úc đã bàn với Ban chấp hành Đoàn Trường tổ chức cho các Đoàn viên, Thanh niên, sinh viên của Trường dành 1 ngày tham gia tuyên tuyền cổ động cho hoạt động này. Đây cũng là một buổi ngoại khóa hoàn toàn hấp dẫn với các sinh viên của nhà trường trong việc tiếp cận với cộng đồng và truyền bá một thong điệp cực kỳ ý nghĩa cho cộng đồng này.

Còn ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Công ty Cổ phần Trực tuyến Bigmua Việt Nam cho rằng: Với phương châm “Niềm tin mua sắm”, Bigmua luôn hướng tới môi trường xanh nên luôn luôn cung cấp những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, thiên nhiên, nên khi được biết đến chương trình của Tin Môi Trường Công ty đã vận động toàn thể nhân viên chi nhánh Miền Nam của Bigmua tham gia hoạt động này. Hy vọng qua hoạt động thực tiễn này sẽ giúp cho các nhân viên ý thức hơn về hành động của mình trong quan hệ với khách hàng cũng như cuộc sống hàng ngày.

Bà Hà Thúy Quỳnh, thành viên Ban tổ chức cuộc đi bộ vận động mọi người “Không xả rác bừa bãi” cho rằng: Dù rất gấp gáp trong khâu chuẩn bị nhưng vì đây là hoạt động thiết thực liên quan đến môi trường và sinh hoạt hằng ngày nên ban tổ chức cũng cố gắng để có một chương trình có ý nghĩa nhất cho cộng đồng. Ban tổ chức cũng hy vọng hành động cực kỳ ý nghĩa này sẽ giúp cộng đồng thân thiện hơn.




Dụng cụ dùng tuyên truyền "Không xả rác bừa bãi"

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

6 THÓI QUEN SAU KHI ĂN KHIẾN BẠN CHẾT SỚM

Nếu sau bữa ăn bạn thường có một hoặc nhiều hơn trong số 6 thói quen dưới đây, hãy thay đổi ngay nếu không muốn chết sớm. 

Hát karaoke



Khi vừa mới ăn no dung lượng dạ dày lớn hơn, lưu lượng máu tăng, hát vào lúc này sẽ làm tụt màng ngăn, áp lực phúc mạc gia tăng, nhẹ thì gây khó tiêu, nặng thì gây đau dạ dày và các triệu chứng khác. Vì vậy, tốt nhất để sau khi ăn khoảng 1 tiếng, sau khi thức ăn đã tiêu hóa bình thường hãy đi hát karaoke, hoặc hát trước sau đó mới đi ăn cơm.

Ăn trái cây sau bữa ăn

Không ít người có thói quen ăn trái cây sau khi ăn cơm bởi cho rằng như vậy giúp sạch miệng, bớt cảm giác ngấy. Kỳ thực đây là một thói quen sinh hoạt sai lầm vì ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Sau khi thức ăn vào dạ dày, cần 1-2 tiếng mới có thể dần bài trừ, nếu vừa ăn cơm xong đã ăn trái cây ngay sẽ gây đầy bụng bởi số thức ăn trong bữa cơm trước đó chưa tiêu hóa kịp.

Uống trà đặc


Không nên uống trà đặc sau khi ăn.

Theo Health.sina, trong lá trà có chứa lượng lớn axit tannic, uống trà đặc sau khi ăn sẽ khiến khối protein vừa ăn vào chưa được tiêu hóa kết hợp với axit tannic, hình thành chất kết tủa, ảnh hưởng đến việc hấp thụ protein. Các chất có trong lá trà còn cản trở việc hấp thu sắt, thói quen xấu uống trà sau bữa ăn trong thời gian dài, dễ gây thiếu máu do thiếu sắt; ngoài ra, ăn cơm xong uống trà ngay, một lượng lớn nước vào trong dạ dày, sẽ làm loãng dịch vị, từ đó ảnh hưởng công tác tiêu hóa thức ăn của dạ dày.

Hút thuốc

Có người cho rằng: “Một điếu thuốc sau bữa ăn, còn hơn cả thần tiên”. Thực tế, việc này rất nguy hại cho cơ thể. Do sau khi ăn nhu động ruột rất mạnh, tuần hoàn máu cũng tăng nhanh theo, hệ thống tiêu hóa bắt đầu hoạt động toàn diện. Nếu hút thuốc vào lúc này, cường độ hấp thụ khói của phổi và các mô khắp cơ thể tăng mạnh, dẫn tới hấp thu phải lượng lớn các thành phần có hại trong thuốc lá, có tác dụng kích thích rất mạnh đối với hệ hô hấp và tiêu hóa, mang lại tổn thương cho các cơ quan chức năng và các mô trên cơ thể lớn hơn nhiều so với hút thuốc lúc bình thường.

Uống nước

Uống nước ngay sau khi ăn làm loãng dịch vị, khiến thức ăn trong dạ dày chưa kịp tiêu hóa đã vào ruột non, làm suy yếu khả năng tiêu hóa, dễ gây các bệnh đường tiêu hóa. Nếu uống nước có ga thì càng không có lợi cho cơ thể, carbon dioxide do nước ngọt có ga tạo ra dễ làm tăng áp lực trong dạ dày, dẫn tới giãn dạ dày cấp.
Lái xe

Sau bữa ăn do nhu cầu tiêu hóa, máu chủ yếu tập trung về dạ dày, não ở trong trạng thái thiếu máu tạm thời, lái xe lúc này dễ dẫn tới thao tác sai sót, gây tai nạn. Do đó, đợi sau khi ăn 1 tiếng hãy lái xe để đảm bảo an toàn.
Theo nguồn: moitruong.com.vn

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

CÔNG NGHỆ TƯỚI NƯỚC NHỎ GIỌT NHỜ NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI

Một người ở tỉnh Bình Phước đã thử nghiệm thành công hệ thống tưới nước nhỏ giọt chạy bằng năng lượng mặt trời không gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Tất (ngụ ấp 7, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) - người đã thử nghiệm thành công hệ thống tưới nước nhỏ giọt chạy bằng năng lượng mặt trời. Mô hình giúp tiết kiệm chi phí, nhân công, phân bón, đồng thời nâng cao năng suất và không gây ô nhiễm môi trường.


Ông Tất bên hệ thống tưới nước nhỏ giọt.

Ông Nguyễn Văn Tất cho biết, công nghệ này bao gồm 1 tấm pin tích hợp năng lượng mặt trời, công suất 175w. Năng lượng từ pin sẽ được dẫn tới một motor. Motor sẽ vận hành hệ thống bơm lấy nước từ dưới mương, ao, giếng, sông hồ… và dẫn nước theo hệ thống ống dẫn nước tới tận gốc cây.

Hệ thống ống dẫn nước từ máy bơm lên đến vườn cây được sử dụng tùy loại ống, nếu sử dụng loại ống nhựa 40mm, khi đến gốc cây được phân thành các nhánh theo hàng cây với loại ống nhỏ 14mm. Tại mỗi gốc sẽ có 2 van xả nước, nhỏ đều từng giọt và chỉnh lượng nước vừa đủ độ ẩm cho cây phát triển.

Ông Tất nói: “Qua hơn 2 năm sử dụng hệ thống này kết quả cho thấy vườn cà phê và điều không còn rụng trái non, bông ca cao không còn bị héo như trước, trái và hạt chắc hơn. Do đó, năng suất vườn cây tăng từ 25 - 30% so với trước. Không những cho tăng năng suất mà còn tiết kiệm chi phí so với chạy máy bơm. Nếu như trước đây bình quân vào mùa khô gia đình tôi phải tưới ít nhất 5 lần/mùa, chi phí hết 8 triệu tiền dầu và 5 triệu tiền nhân công, nhưng nay không tốn một đồng nào”.

Không chỉ tưới nước, hệ thống này còn có chức năng bón phân cho cây rất đồng đều và tiện lợi bằng cách lấy phân hòa lẫn với nước cho tan, liều lượng cân đối với diện tích rồi cho vào bình chứa bơm lên qua hệ thống dẫn nước tới từng gốc cây.

Đây là hệ thống tưới nước tự động, khi có nắng máy sẽ tự động bật, khi hết nắng máy tự động ngắt nên không cần nhân công vận hành máy.

Ngoài hệ thống tưới nước cho vườn cây, gia đình ông Tất còn lắp đặp ống dẫn nước vào bể sử dụng cho sinh hoạt gia đình.

Hệ thống tưới nước nhỏ giọt chạy bằng năng lượng mặt trời của gia đình ông Nguyễn Văn Tất dễ làm, ít tốn kém, do đó mọi người có thể đến học tập về áp dụng ngay ở thời điểm nắng nóng, khô hạn này.
Theo nguồn: moitruong.com.vn

NGẮM NGÔI NHÀ ĐƯỢC CHẾ TẠO TỪ VẬT LIỆU TÁI CHẾ TUYỆT ĐẸP

Một kiến trúc sư người Ý đã đưa ra ý tưởng thiết kế ngôi nhà nổi thân thiện với môi trường, được chế tạo bằng vật liệu tái chế.
Trong tình trạng khan hiếm đất đai, nhằm tránh việc chặt cây xanh lấy diện tích đất để xây dựng nhà ở, Giancarlo Zema - một kiến trúc sư người Ý - đã cho ra đời ý tưởng về một ngôi nhà nổi hoàn toàn thân thiện với môi trường.


Ý tưởng ngôi nhà nổi thân thiện với môi trường của kiến trúc sư người Ý



Ngôi nhà được chế tạo bằng các vật liệu tái chế

Ngôi nhà được thiết kế nổi trên mặt nước để tiết kiệm không gian trên mặt đất, sử dụng một cây cầu nhỏ để nối liền với bờ. Chất liệu được sử dụng để xây nhà là vật liệu tái chế như gỗ, nhôm…


Mặt trước của "ngôi nhà xanh"

Mái của ngôi nhà được lợp thêm các tấm pin năng lượng mặt trời, cho phép cung cấp điện cho các hoạt động sinh hoạt trong nhà.



Mái của ngôi nhà được lắp thêm những tấm pin năng lượng mặt trời


Nguồn điện tích tụ từ các tấm pin mặt trời sẽ được sử dụng cho các hoạt động trong nhà

Nội thất trong nhà được bày biện khá đơn giản, được chế tạo chủ yếu bằng gỗ tái chế, mang tới cảm giác thân thiện, gần gũi với thiên nhiên.




Nội thất trong nhà được thiết kế bằng gỗ tái chế

Tuy nhiên, ý tưởng cũng có nhược điểm lớn khi chiếm diện tích khá lớn trên hồ. Ngoài ra, việc xây dựng nhà và sinh sống trên mặt nước có thể vô tình gây ô nhiễm nguồn nước tại các khu vực hồ này.

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

3 SẢN PHẨM HÀNG NGÀY DÙNG 1 LẦN GÂY NGUY HẠI ĐẾN SỨC KHỎE

Hiện nay, vì tính tiện dụng mà rất nhiều sản phẩm dùng một lần được ra đời, trong đó, rất nhiều sản phẩm độc hại, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Hộp xốp dùng một lần 

Thực phẩm ở trên 70 độ C hoặc đồ ăn chua để trong hộp xốp dùng một lần sẽ bị nhiễm chất gây ung thư hoặc rối loạn chứ năng gan, thận. 

Theo cảnh báo mới nhất của Cục An toàn thực phẩm, đũa dùng một lần có thể tồn dư chất bảo quản chống mốc, còn hộp xốp dùng một lần có nhiễm chất gây ung thư, rối loạn chức năng gan, thận... nếu đựng thực phẩm ở nhiệt độ trên 70 độ C hay đồ ăn chua. 

Kỹ sư Vũ Tân Cảnh, Phòng Vật liệu Polyme và Compzit, Viện Khoa học Vật liệu thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, cảnh báo, trước thói quen dùng hộp xốp đựng thực phẩm vô tộ vạ của người dân hiện nay. 



Hộp xốp dùng một lần được sử dụng rất phổ biến. Ảnh minh họa. 

Theo Kỹ sư Cảnh, nguyên liệu chính để chế tạo hộp xốp không an toàn là một loại nhựa nhiệt dẻo có tên là Polystiren phân tử thấp, do vậy nó chỉ được dùng để đựng thức ăn nguội, còn đựng thức ăn nóng là điều tối kỵ. Vì nhiệt từ thức ăn nóng sẽ khiến loại nhựa này giải phóng ra một chất độc có tên là monostyren, ngấm vào thức ăn, ăn vào sẽ cực hại cho gan, cũng như gây ra nhiều bệnh khác. 

PGS.TS Đỗ Văn Kháng, trưởng phòng công nghệ polyme (Viện Hóa học), ở nhiệt độ 70-80 độ C là một số phụ gia trong nhựa bắt đầu hòa tan vào thực phẩm. Nếu là loại kém chất lượng, có thể chứa chất dioctin phatalat, ảnh hưởng trực tiếp tới giới tính. 

Theo đó, nếu bị nhiễm chất này lâu dài, chất này có thể ảnh hưởng về giới tính của trẻ em, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm. Vì thế, người ta khuyến cáo chỉ nên dùng hộp nhựa đựng đồ ăn nguội, chớ dại múc cả canh, cơm đang nóng hôi hổi vào hộp nhựa, có thể sinh ra các chất độc hại cho cơ thể. 

Bao tay dùng một lần chứa chất độc gây tổn thương thần kinh

Hầu hết các sản phẩm nilon dùng một lần đều được làm từ nilon tái chế, chính vì vậy, độ an toàn của nó cần có rất nhiều lưu ý. Dù vậy nhưng trên bao bì của rất nhiều loại bao tay nilon đều không có những lưu ý khi sử dụng cho người tiêu dùng. 


Bao tay nilon thường xuyên được các chủ cửa hàng ăn uống sử dụng để tiếp xúc với thức ăn có nhiệt độ cao. 

Thạc sĩ Đoàn Khang, chuyên gia sinh hóa, cho biết “Những loại nilon tái chế thường có những hạn chế nhất định trong quá trình sử dụng. Đặc biệt là đối với nhiệt độ. Khi sử dụng loại nilon tái chế này ở nhiệt độ cao sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, ngoài ra có thể sẽ hòa tan một số chất độc hại trong nilon vào thực phẩm nếu sử dụng nilon tiếp xúc với trực tiếp với thực phẩm ở nhiệt độ cao. Nhất là đối với những loại nilon tái chế để sử dụng một lần, vì đó là những loại nilon chứa nhiều chất độc hại hơn các loại nilon khác. 

Đặc biệt trong các loại nilon tái chế có chứa các chất hóa dẻo, đây được xem là có yếu tố gây độc nhiều nhất. Điển hình là chất hóa dẻo TOCP (Triorthocresylphosphat) là loại hóa chất rất độc hại, nó sẽ làm tổn thương và thoái hóa thần kinh ngoại biên và tủy sống, chất BBP (một chất phthalate) có thể gây độc cho tinh hoàn và gây ra một số dị tật bẩm sinh nếu tiếp xúc với nó…”. 

Thạc sĩ Đoàn Khang cũng chia sẻ thêm, hiện nay, các cửa hàng bán đồ ăn thường xuyên sử dụng bao tay nilon, chủ yếu là các loại bao tay dùng một lần. 

Chính vì vậy, cần phải lưu ý trong khi tiếp xúc với thực phẩm, vì hầu như các quán ăn đều có những thực phẩm ở nhiệt độ cao hơn nhiệt độ thường và sử dụng bao tay nilon trong suốt cả một ngày dài, khi sử dụng đi sử dụng lại, bao tay nilon cũng là nơi tích tụ nhiều loại vi khuẩn gây bệnh cho người sử dụng thực phẩm. 


Cốc, bát dùng một lần 

Thị trường các loại cốc, bát, đĩa, thìa… dùng một lần ngày càng phong phú, nhiều mẫu mã, kích thước, kiểu dáng đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng. Ghi nhận thị trường cho thấy, nhiều loại cốc, đĩa, bát giấy dùng một lần vẫn chưa có hướng dẫn sử dụng cụ thể, không có tên, tuổi, địa chỉ công ty sản xuất. Số ít còn lại, bên cạnh tên tuổi nhà sản xuất có thêm một tem, nhãn phụ ghi chất liệu chủ yếu từ nhựa PP và PS; nhiệt độ dùng từ 5-80 độ C. 


Cốc, bát dùng một lần phải được sử dụng đúng cách mới tiện dụng và an toàn. Ảnh minh họa. 

Nhận định chung về chất lượng các loại cốc, bát, đĩa giấy dùng một lần, PGS.TS Nguyễn Gia Điền, Trưởng phòng Công nghệ Hóa chất Sinh học, Viện Hóa học Việt Nam cho hay nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng có thể dùng cho cả nóng và lạnh. 

Do vậy, nguyên liệu cũng như quy trình làm các loại cốc, bát, đĩa này, đặc biệt là lớp tráng chống thấm phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe. Do đó, tốt nhất là nếu mua thì người tiêu dùng nên chọn mua các loại có nguồn gốc xuất xứ và hướng dẫn sử dụng rõ ràng. 

Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) thì không nên sử dụng các loại cốc, bát, đĩa dùng một lần để đựng các đồ nóng vượt quá 70 độ C. 

Nguyên nhân do trong quá trình sản xuất, các loại đồ dùng này thường được trộn phụ gia chống thấm nước có sử dụng keo chứa phenol và melamin. Nếu đựng thực phẩm nóng quá ngưỡng trên, lớp màng chống thấm có thể bị chảy ra, hòa tan gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

NĂNG LƯỢNG HẠT NHÂN : LỢI ÍCH VÀ TÁC HẠI


Theo một cách đơn giản, năng lượng hạt nhân được định nghĩa là năng lượng thu được trong một phản ứng hạt nhân. Phản ứng hạt nhân là phản ứng liên hợp (khi hai hạt nhân nguyên tử kết hợp để tạo thành một hạt nhân nặng duy nhất) và phân hạch (khi một hạt nhân nặng duy nhất chia tách thành hai hạt nhân nhỏ hơn) giải phóng một năng lượng rất lớn. Khối lượng hạt nhân được chuyển đổi thành năng lượng.

Năng lượng được giải phóng là kết quả của sự chênh lệch giữa tổng khối lượng của các phần tử tham gia trước và sau khi phản ứng. Quá trình này là một phản ứng dây chuyền và năng lượng được giải phóng cho đến khi các nguyên tử trở nên ổn định.
I. Ưu điểm của năng lượng hạt nhân:

1.1.  Nguồn năng lượng xanh

Ưu điểm lớn nhất của nguồn năng lượng này là không tạo ra các khí thải nhà kính (như carbon dioxide, methane, ozone, chlorofluorocarbon) trong phản ứng hạt nhân. Khí thải nhà kính là một mối đe dọa lớn cho môi trường sống, chúng gây ra sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Phản ứng hạt nhân không tạo ra các khí thải, nên có rất ít ảnh hưởng đến môi trường.
1.2. Tạo ra một số lượng lớn năng lượng

Phản ứng hạt nhân giải phóng nhiều hơn một triệu lần năng lượng so với thủy điện hoặc năng lượng gió. Vì vậy, một lượng điện năng lớn có thể được tạo ra. Hiện nay, có khoảng 10-15% sản lượng điện của thế giới được tạo ra bằng năng lượng hạt nhân. Bạn có biết với một kg uranium-235 có thể sản xuất ra một lượng năng lượng điện tương đương 1.500 tấn than.

1.3. Nhiên liệu độc lập

Lò phản ứng hạt nhân sử dụng uranium làm nhiên liệu. Phản ứng phân hạch của một lượng nhỏ uranium có thể tạo ra một năng lượng lớn. Hiện nay, nguồn dự trữ uranium được tìm thấy trên Trái đất dự kiến sẽ đáp ứng được nhu cầu trong 100 năm nữa. Sử dụng năng lượng này có thể làm cho nhiều quốc gia có thể độc lập về năng lượng và không phụ thuộc vào việc khai thác những nhiên liệu như than đá.

Nếu không có các lỗi của con người hay tai nạn và thiên tai, các lò phản ứng hạt nhân sẽ hoạt động rất hiệu quả trong một thời gian dài. Thêm vào đó, sau khi xây dựng, việc vận hành nhà máy đòi hỏi rất ít lao động.

1.4. Không làm ô nhiễm không khí

Việc đốt nhiên liệu như than đá tạo ra carbon dioxide và khói. Đó là một mối đe dọa đối với môi trường cũng như đời sống con người. Sản xuất năng lượng hạt nhân không thải ra khói. Vì thế, nó không gây ô nhiễm không khí trực tiếp. Tuy nhiên, xử lý chất thải phóng xạ là một vấn đề lớn hiện nay.

II. Nhược điểm của năng lượng hạt nhân

2.1. Không thể tái tạo

Mặc dù chúng tạo ra một lượng lớn năng lượng, các lò phản ứng hạt nhân vẫn phụ thuộc vào uranium. Đây là một nhiên liệu có thể bị cạn kiệt. Sự cạn kiệt của nó lại có thể gây ra một vấn đề nghiêm trọng. Các lò phản ứng sẽ phải ngừng hoạt động, chúng sẽ vẫn chiếm một diện tích lớn đất đai và làm ô nhiễm môi trường.

2.2. Bức xạ
Sự giải phóng ngẫu nhiên các bức xạ có hại là một trong những hạn chế lớn nhất của năng lượng hạt nhân. Quá trình phân hạch giải phóng bức xạ, nhưng chúng được kiểm soát trong một lò phản ứng hạt nhân. Nếu các biện pháp an toàn không được đảm bảo, các bức xạ có thể tiếp xúc với môi trường sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và con người.

2.3. Phát triển vũ khí hạt nhân

Năng lượng này có thể được sử dụng cho sản xuất và phổ biến vũ khí hạt nhân. Vũ khí hạt nhân sử dụng phản ứng phân hạch, nhiệt hạch, hoặc kết hợp cả hai phản ứng cho các mục đích phá hủy. Đó là một mối đe dọa lớn đối với thế giới vì chúng có thể gây ra một sự tàn phá quy mô lớn. Tác động của chúng có thể ảnh hưởng tới nhiều thế hệ (ví dụ, vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản).

2.4. Chi phí xây dựng khổng lồ

Tuy một lượng lớn năng lượng có thể được sản xuất từ một nhà máy điện hạt nhân, nhưng nó đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Cần đến khoảng 10-15 năm để xây dựng xong một nhà máy điện hạt nhên. Việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân có thể không khả thi.

2.5. Chất thải hạt nhân

Các chất thải được tạo ra sau phản ứng phân hạch chứa các nguyên tố không ổn định và phóng xạ cao. Nó rất nguy hiểm đối với môi trường cũng như sức khỏe con người và sẽ tồn tại trong một khoảng thời gian dài. Nó cần được xử lý cẩn thận và phải cách biệt với môi trường sống. Độ phóng xạ của các nguyên tố này sẽ giảm trong một thời gian, sau đó phân hủy. Do đó, người ta phải được tích trữ và xử lý một cách cẩn thận. Việc tích trữ các nguyên tố phóng xạ trong một thời gian dài là rất khó khăn.

2.6. Tai nạn nhà máy điện hạt nhân

Cho đến này, đã có hai vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân thảm khốc xảy ra: thảm họa Chernobyl xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (1986) tại Ukraine, và thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi (2011) tại Nhật Bản. Sau các sự cố, một lượng lớn các bức xạ đã bị phát tán vào môi trường, dẫn đến những thiệt hại về người, thiên nhiên và đất đai. Người ta không thể phủ nhận khả năng lặp lại những thảm họa này trong tương lai.

2.7. Vận chuyển nhiên liệu và chất thải

Việc vận chuyển nhiên liệu uranium và các chất thải phóng xạ là rất khó khăn. Uranium phát ra một số bức xạ, do đó, nó cần phải được xử lý cẩn thận. Chất thải của quá trình sản xuất hạt nhân còn nguy hiểm hơn và cần được bảo vệ tốt hơn. Tất cả các phương tiện vận chuyển chúng đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Mặc dù chưa có tai nạn hoặc sự cố tràn nào được thống kê, nhưng quá trình vận chuyển vẫn còn là thách thức.