Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

NGỘ NHẬN NGUY HIỂM VỀ SỪNG TÊ GIÁC CHỮA BÁCH BỆNH

Đã có trường hợp bệnh nhân tên Hoa ở Hà Nội nghe tin sừng tê giác chữa bách bệnh nên mua về mài uống, kết quả phải vào viện vì nhiễm độc gan...

Một người phụ nữ Việt Nam dùng miếng sừng tê giác mài vào bát đựng ít nước và tin rằng bột sừng chữa được sỏi thận - Ảnh từ National Geographic

Từ năm 2013 đến nay, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Cites Việt Nam, đã tổ chức nhiều hoạt động truyên truyền, giúp cộng đồng hiểu rõ phải - trái về vấn đề tiêu thụ sừng tê giác.

Những kẻ săn bắn, buôn bán trộm sẽ không còn đất sống một khi người dân - đối tượng đang bệnh nan y và giới nhà giàu - không bị cuốn theo những lời hoa mỹ về khả năng sừng tê giác chữa bách bệnh. Chỉ riêng năm 2013, Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã phát hiện 4 vụ vận chuyển sừng tê giác.

Ngày 6.1.2013, cơ quan hữu quan bắt đối tượng Hà Thân Chỉnh, quốc tịch Việt Nam mang theo 9 sừng tê giác không khai báo, trọng lượng 16,26kg. Ngày 4.5.2013 bắt một đối tượng đem 2 khúc sừng tê giác trọng lượng 7,28kg. Ngày 20.5.2013 bắt tiếp đối tượng Đinh Văn Sơn quốc tịch Việt Nam nhập cảnh đem trái phép 6 khúc sừng nặng 5,07kg. Ngày 10.6.2013 bắt Tạ Đình Tiến quốc tịch Việt Nam đem 10 khúc sừng tê giác trọng lượng 6,89 kg.

Sau hàng loạt vụ bắt giữ, tình hình buôn bán có giảm. Năm 2014, tính đến nay mới phát hiện một vụ vào ngày 1.8.2014, phát hiện 5 khúc sừng tê giác trọng lượng 13,2 kg của đối tượng Vòng Cóng Lần.

Kiến thức Đông Y bị mai một

Theo giáo sư Nguyễn Lân Dũng, việc tiêu thụ sừng tê giác ồ ạt ở Việt Nam phải có căn nguyên và cơ sở của nó. Ông đặt ra câu hỏi: “Những lời đồn đại về sừng tê giác như chữa được ung thư, giải rượu… chỉ mới xuất hiện chưa tới 10 năm gần đây. Tại sao lại như vậy? Phải chăng vì một số đại gia giàu lên bất thường hoặc vì số bệnh nhân ung thư đang tăng nhanh” (tài liệu truyền thông từ Cites).

Sự phát triển kinh tế không cân xứng với sự phát triển của nền tảng tri thức, nhận thức đã dẫn tới việc tiêu tiền vô tội vạ và giới giàu có trở thành mảnh đất màu mỡ cho những trò hưởng lạc cũng như những ám ảnh về cái chết, về sự trường sinh bất lão ngự trị.

Sừng tê giác được tô vẽ lên để đáp ứng những nhu cầu đó: Trường sinh (chống ung thư), hưởng lạc (cường dương). Bởi vậy mà nó dĩ nhiên thành thứ quý hơn vàng.

Sự bùng nổ dùng sừng tê giác cũng cho thấy kiến thức về Đông y trong xã hội Việt Nam mai một nhiều. Người ta sử dụng dược liệu mà hầu như không có kiến thức gì về chúng.

Một lương y ở Bình Định, sở hữu một kho sách cổ nói: “Những công dụng của sừng tê giác như sách vở ghi chép, không thực sự đặc biệt, đồng thời ta có thể thay bằng các loại dược liệu khác vừa dễ kiếm vừa rẻ tiền mà công dụng không hề thua kém”.

Vị lương y này còn nói: “Trong nghề y, đoạt tính mạng của loài khác để mưu cầu tính mạng của mình được dài lâu là việc tối kỵ và ít công hiệu, cho nên truyền thống dùng thuốc Nam ta ngàn năm qua là chỉ dùng thảo dược để cứu người”.

“Trạng chết, chúa cũng băng hà”

Không có sự ngộ nhận nào là không phải trả giá, với những người thích dùng sừng tê giác cũng vậy. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết câu chuyện một đại gia đã yêu quý con chó cưng của mình đến mức mua sừng tê giác để mài cho chó uống khi nó bị liệt. Kết quả con chó uống sừng tê xong bị sùi bọt mép mà chết.

Nhiều người khuyên anh này không nên dùng sừng tê giác nữa vì loài tê giác rất “linh” có thể báo oán. Hẳn người ta chỉ thương loài tê giác mà nói với anh ta như vậy thôi. Gia đình có người bị bệnh đau đầu, anh ta tiếp tục mài sừng tê cho uống, người nhà cũng sùi bọt mép mà chết.

Theo giáo sư Nguyễn Lân Dũng: “Có nhiều nghiên cứu nhưng chưa từng tìm ra được tác dụng chữa hay phòng ngừa ung thư của sừng tê giác. Trong khi đó rất nhiều trường hợp dùng sừng tê giác để chữa ung thư nhưng vẫn tử vong nhanh chóng”.

Giáo sư cũng cho biết sừng tê không làm cường dương mà ngược lại: “Dùng nhiều tê giác lạnh có thể gây mất năng lượng tự nhiên, mất hỏa tự nhiên trong người, gây liệt dương”. Có trường hợp bệnh nhân tên Hoa ở Hà Nội nghe tin sừng tê giác có thể chữa bách bệnh nên mua về mài uống, kết quả phải vào viện nằm vì nhiễm độc gan.

Cũng theo ông, ở Nam Phi đã bắt đầu tiêm chất độc vào sừng tê giác để ngăn ngừa người sử dụng, cụ thể là chất ectoparasitisides. Chất này không gây độc cho con tê giác nhưng lại khiến người dùng sừng tê giác bị co giật.

Nhiều người buôn sừng tê giác cũng là dân buôn đồ cổ, thường loan tin với nhau rằng sừng tê giác cũng “hại chủ” như đồ cổ, nghĩa là nếu sưu tầm giới thiệu và lưu trữ bảo tồn thì đem lại phúc đức, còn buôn bán làm giàu sẽ khiến người ta tiêu tán.

Một người buôn sừng tê giác ở Tây Bắc đã bị sạt nghiệp vì mua phải sừng giả, đem sừng đến giữa cầu để bán, bị cướp mất vì cho là sừng giả, lại bị đập đầu vào cột nhà sàn, trở thành người tàn phế.

Đấy là những câu chuyện mà người ta nói với nhau về tác hại của việc buôn sừng loại thú quý, được thư tịch cổ xem là chúa tể của mọi loài mà vua chúa xưa, thậm chí chỉ dám nuôi để chiêm bái.

Theo nguồn: moitruong.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét